Tìm kiếm việc làm remote, hay là việc làm từ xa, việc làm tại nhà, đã có xu hướng thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Vậy, việc làm remote là gì? Những lưu ý khi làm việc remote là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Việc làm remote là gì?
Việc làm remote (remote working) là hình thức làm việc mà người lao động có thể thực hiện công việc của họ từ một địa điểm không phải là văn phòng của doanh nghiệp. Những địa điểm mà người lao động thường lựa chọn làm việc như ở nhà, văn phòng riêng của họ,...
Theo thống kê từ Global Workplace Analytics, có đến 25 – 30% số lượng người lao động đã lựa chọn hình thức làm việc từ xa vào năm 2021. Upwork – nền tảng việc làm remote, freelancer cũng ước tính rằng, có đến hơn 26% lực lượng lao động tại Mỹ đã lựa chọn làm việc từ xa năm 2021. Và số liệu này tăng trong các năm tiếp theo.
Có khá nhiều hình thức làm việc từ xa, trong đó có 3 hình thức chính bao gồm:
- Làm việc từ xa 100%: Là hình thức bạn sẽ làm việc từ xa 100% trong suốt thời gian bạn làm việc cho doanh nghiệp.
- Bán làm việc từ xa: Bạn sẽ luân phiên làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng của doanh nghiệp, công ty.
- Freelancer: Là hình thức làm việc mà bạn không phải là nhân sự chính thức của doanh nghiệp, chỉ nhận các order công việc từ họ và thực hiện chúng từ xa.
Ưu, nhược điểm khi tìm việc làm remote
Vậy, ưu – nhược điểm của loại hình làm việc remote này là gì? Hãy cùng theo dõi phần tiếp theo ngay sau đây:
Ưu điểm của việc làm remote
Hình thức làm việc remote có một số ưu điểm, lợi ích như sau:
- Giảm thiểu thời gian, chi phí di chuyển: Khảo sát từ phòng thí nghiệm Owl cho biết, mỗi nhân viên khi lựa chọn hình thức làm việc remote có thể tiết kiệm trung bình 40 phút mỗi ngày cho quá trình đi lại.
- Thời gian, không gian làm việc linh hoạt: Bạn có thể lựa chọn thời gian và không gian khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất khi làm việc. Điều này sẽ giúp cho quá trình làm việc đạt hiệu quả hơn.
- Tăng hiệu quả làm việc: Viện Kinh tế Becker Friedman tại Đại học Chicago cho thấy rằng có hơn 30% những người được hỏi trả lời rằng họ làm việc hiệu quả và gắn bó hơn khi lựa chọn làm remote.
- Nhân sự làm việc hạnh phúc hơn: Bên cạnh những lợi ích trên, hình thức việc làm remote cũng giúp nhân viên có thể cân bằng cuộc sống, giải tỏa căng thẳng tốt hơn. Nghiên cứu từ Owl cho thấy rằng có đến 22% nhân viên cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi lựa chọn hình thức làm việc tại nhà, bớt căng thẳng và tập trung hơn. Cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ cũng tốt hơn.
Nhược điểm của việc làm remote
Tuy vậy, khi lựa chọn hình thức việc làm remote cũng sẽ tồn tại một số nhược điểm, thách thức như sau:
- Yêu cầu cao về tính tự giác, kỷ luật của nhân sự: Với môi trường làm việc thoải mái và không chịu sự quản thúc của doanh nghiệp, nhiều nhân sự sẽ dễ rơi vào bẫy của hình thức này. Đấy chính là không có tính tự giác, kỷ luật dẫn đến giảm hiệu quả công việc.
- Gặp khó khăn khi giao tiếp, trao đổi công việc: Tuy không phải là điển hình, nhưng hình thức làm việc remote cũng có thể tạo nên sự khó khăn trong giao tiếp và trao đổi công việc. Điều này thường là hệ quả của sự thiếu kỷ luật, tự giác trong công việc.
- Một số nhược điểm khác: Bên cạnh 2 nhược điểm chính ở trên, hình thức làm việc remote cũng có một số nhược điểm khác như bạn cần tự giải quyết các vấn đề, sự cố trong công việc của mình, giảm tương tác với đồng nghiệp, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn khi quản lý nhân sự, v.vv..
cách nhận biết các dấu hiệu lừa đảo khi tìm việc làm remote, việc làm thêm tại nhà
Tuy là một hình thức mang lại nhiều lợi ích, ưu điểm cho người lao động và nhà doanh nghiệp, nhưng không ít đối tượng đã lợi dụng hình thức này để thực hiện lừa đảo. Trước tình trạng gia tăng các hình thức lừa đảo việc làm trên internet được các cơ quan chức năng cảnh báo, Vjobs xin lưu ý bạn một số dấu hiệu cũng như bí kíp giúp bạn tránh được tình trạng lừa đảo khi tìm kiếm việc làm trên Vjobs hoặc bất cứ website tuyển dụng nào khác. Cụ thể:
Tin tuyển dụng có thông tin thiếu minh bạch
Thông tin mô tả công việc không rõ ràng, thiếu minh bạch, yêu cầu liên hệ để biết thêm thông tin chi tiết, v.vv.. là các dấu hiệu lừa đảo bạn cần hết sức cảnh giác. Khi tìm hiểu các job, hãy tránh những tin tuyển dụng mô tả công việc không rõ ràng, thông tin sơ sài.
Hứa hẹn lương cao bất thường
Nhiều bạn khi mới tìm kiếm việc làm từ xa thường bị rơi vào bẫy “việc nhẹ lương cao” của những đối tượng lừa đảo. Trên thực tế, không có bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân uy tín nào sẽ trả lương/thù lao quá cao cho những công việc nhẹ nhàng. Vì vậy, với những tin tuyển dụng có mức lương quá cao, bạn cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ trước khi nhận việc.
Nhận việc qua trung gian
Một hình thức lừa đảo khác mà bạn có thể gặp phải khi làm việc remote chính là các đối tượng tự nhận mình là trung gian của doanh nghiệp nào đó. Những đối tượng này thường sẽ khuyến khích bạn sang nền tảng khác để trao đổi và yêu cầu khá nhiều điều kiện để nhận việc. Do đó, bạn chỉ nên ứng tuyển những công việc trực tiếp từ nhà tuyển dụng của mình.
Yêu cầu đóng thêm phí đặt cọc, nạp tiền mua hàng
Những yêu cầu đóng các khoản phí dưới hình thức như “phí nhận việc”, “đặt cọc”, “hợp đồng”, “phí phỏng vấn”, “phí giữ chỗ”, v.vv.. sẽ là một trong những chiêu trò lừa đảo thường được sử dụng. Những đối tượng lừa đảo thường sẽ lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin của các bạn thiếu kinh nghiệm để yêu cầu đóng những khoản phí này. Do đó, bạn nên tránh xa những tin tuyển dụng yêu cầu đóng phí.
Ngoài ra, nếu bạn bị yêu cầu nạp tiền, mua hàng trên app/website thì hãy tránh xa càng sớm càng tốt. Những job xịn và công ty uy tín sẽ không yêu cầu ứng viên nạp tiền hoặc bồi thêm các khoản chi phí không liên quan.
Yêu cầu nộp tất cả giấy tờ gốc
Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp hay nhà tuyển dụng sẽ không được giữ bất kỳ loại giấy tờ, bằng cấp gốc nào của người lao động. Vì vậy, nếu doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nào yêu cầu bạn nộp những loại giấy tờ gốc này, có nghĩa là họ đang vi phạm pháp luật. Việc nộp các loại giấy tờ gốc sẽ khiến bạn gặp bất lợi trong quá trình làm việc và không được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Nguồn: sưu tầm