Trong thị trường lao động cạnh tranh ngày nay, có nhiều cách để gây sự chú ý tích cực nhất đối với nhà tuyển dụng. Viết thư ứng tuyển chính là một cách mà dường như có rất nhiều ứng viên bỏ qua. Thư ứng tuyển ấn tượng vừa thể hiện được sự tinh tế, lại còn tạo nên sự chuyên nghiệp trong quá trình xin việc. Hãy để Vjobs hướng dẫn bạn viết như thế nào để chiếc thư của mình thật chuẩn và ấn tượng bạn nhé!
1. Thư ứng tuyển là gì?
Thư ứng tuyển (thư xin việc) là một lá thư ngắn gọn (trong vòng 1 trang A4) dùng để giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng. Trong thư thường đề cập đến mong muốn, kinh nghiệm, kỹ năng và những thành tựu tương thích với vị trí ứng tuyển.
Trong thư còn đính kèm CV cá nhân, Portfolio (nếu có) để giúp nhà tuyển dụng có thêm thông tin chi tiết để đánh giá ứng viên.
>>> Xem thêm: Cách viết CV ấn tượng với nhà tuyển dụng
2. Tại sao cần đến thư ứng tuyển?
Thực tế đây là phần không bắt buộc, nhưng nếu có sẽ giúp quá trình ứng tuyển của bạn khác biệt so với người khác.
Thư ứng tuyển đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhà tuyển dụng sàng lọc hồ sơ ứng viên. Trong vòng 20s đầu tiên đọc thư, nhà tuyển dụng sẽ trả lời được các câu hỏi như:
- Ứng viên này có đáp ứng được các yêu cầu đã nêu trong JD không?
- Ứng viên này có mang lại giá trị cho công ty không?
- Lý do chọn ứng viên này mà không phải là ứng viên khác?
Vậy nên, thư ứng tuyển ấn tượng sẽ tạo thiện cảm ban đầu tốt đẹp và mở ra cơ hội đến những buổi phỏng vấn thành công cho bất kỳ ứng viên nào.
3. Hướng dẫn viết thư ứng tuyển
3.1 Tiêu đề
Tiêu đề thư phải ngắn gọn, đầy đủ thông tin chính để nhà tuyển dụng dễ nhận ra đây là thư ứng tuyển. Bao gồm:
- Họ và tên cá nhân ứng viên: ghi đầy đủ
- Vị trí ứng tuyển: Trong trường hợp công ty tuyển dụng nhiều vị trí, nên ghi rõ vị trí bạn ứng tuyển trên tiêu đề để thể hiện sự chuyên nghiệp.
- Tên công ty: Ghi rõ ràng và chính xác tên công ty mà bạn nộp CV. Việc này thể hiện bạn là người có sự chuẩn bị chu đáo, không phải “rải cv” vô tội vạ, một thư chuyển tiếp cho nhiều công ty.
Ví dụ: Lê Văn A - Ứng tuyển vị trí Content Marketing - Công ty TNHH XYZ
=> Lưu ý: bạn có thể in hoa toàn bộ chữ để làm nổi bật thư, tránh bị trôi.
3.2 Phần mở đầu
Đầu tiên là chào hỏi và giới thiệu, đây là phần quan trọng vì nó thể hiện phép lịch sự và giúp đối phương hiểu bạn là ai. Ngoài việc giới thiệu ra, bạn có thể thể hiện mong muốn của mình đối với vị trí công việc. Cùng với đó là nêu rõ cách mà bạn tiếp được tin tuyển dụng để thư ứng tuyển ấn tượng hơn.
Công thức: Kính gửi anh/chị [Tên], em tên là [Tên ứng viên], em có xem qua tin tuyển dụng vị trí [Vị trí ứng tuyển] mà công ty đăng tải trên [Nền tảng mà bạn thấy tin tuyển dụng] và em đang rất quan tâm đến vị trí trên ạ!
Ví dụ: Kính gửi anh Bảo, em tên là Lê Văn A, hiện đang là sinh viên năm 4 ngành QTKD tại Trường Đại học XYZ (thông tin thêm nếu bạn là sinh viên). Em có xem qua tin tuyển dụng vị trí Content Marketing mà công ty đăng tải trên Fanpage Facebook và em đang rất quan tâm về vị trí trên ạ!
3.3 Phần thân
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định phần lớn cho sự thành công của bạn. Phần này gồm các phần riêng biệt như sau:
Phần thứ nhất nhấn mạnh sự quan tâm và lý do ứng tuyển vào vị trí công việc đó. Đó có thể là:
- Giải thích lý do vì sao bạn phù hợp với vị trí này. Bằng cách nhấn mạnh những điểm chung giữa kinh nghiệm, kỹ năng bạn có với yêu cầu công việc của công ty.
Ví dụ: Thông qua gần 1 năm kinh nghiệm thực tập mảng Content Marketing tại 2 công ty, cũng như đã đúc kết cho bản thân nhiều kỹ năng phục vụ cho vị trí Content như lập kế hoạch nội dung, viết lách, thiết kế ảnh,... em nhận thấy bản thân khá phù hợp với yêu cầu của công ty.
- Thể hiện sự quan tâm: Bày tỏ sự quan tâm bằng cách thể hiện rõ sự am hiểu của bạn về công ty.
Ví dụ: "Em rất ấn tượng với văn hóa làm việc đề cao sự sáng tạo và tinh thần đồng đội của Công ty ABC. Em nhận thấy giá trị cốt lõi 'Luôn đổi mới để dẫn đầu' của công ty hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của mình.
Phần thứ hai trong một lá thư ứng tuyển ấn tượng là viết về kinh nghiệm và những kỹ năng liên quan. Để tránh dài dòng, ứng viên nên khéo léo trình bày lồng ghép kỹ năng vào kinh nghiệm. Cụ thể:
- Sắp xếp thứ tự công ty/dự án đã làm từ mới nhất đến cũ nhất.
- Trình bày tên công ty, vị trí làm việc và khoản thời gian làm việc.
- Liệt kê ngắn gọn những công việc theo từng công ty/dự án đã làm. Nếu thành tích nổi bật có thể nêu ra để thu hút nhà tuyển dụng.
Lưu ý: Không liệt kê quá chi tiết vì phần này đã được trình bày trong CV.
Ví dụ:
Content Marketing - Vjobs.vn (11.2024 - Hiện tại): nghiên cứu và tìm kiếm từ khoá; lập kế hoạch nội dung và viết bài chuẩn SEO ( trung bình 20 bài/tháng). Trong đó 5 bài đạt top 1 google.
Phần cuối cùng là viết ngắn gọn về mục tiêu nghề nghiệp. Cố gắn cô đọng nhất có thể, thể hiện rõ ràng giá trị mà công ty sẽ nhận nhận được khi chọn bạn.
Ví dụ: Với 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Content Marketing, em mong muốn được đóng góp vào hoạt động Marketing của công ty. Đồng hành cùng công ty xây dựng và nâng tầm thương hiệu cho công ty/sản phẩm/dịch vụ trong những năm tới.
Phần thân là phần vô cùng quan trọng, quyết định lớn vào hành trình xin việc hiệu quả của bạn. Hãy dành nhiều thời gian và công sức để viết thật kỹ phần này!
>>> Xem thêm: Top 3 lưu ý giúp xin việc hiệu quả
3.4 Phần kết
Hãy kết thư bằng một lời cảm ơn chân thành nhất và thể hiện mong muốn được làm việc tại công ty. Cảm ơn là phép lịch sự tối thiểu không nên bỏ qua và là cơ hội cuối cùng để bạn tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Có nhiều cách để kết thư, dưới đây là một số cách phổ biến:
- Bày tỏ sự mong đợi: “Em xin chân thành cảm ơn quý anh/chị đã dành thời gian quý báu xem qua thư này. Em rất mong chờ nhận được phản hồi từ anh/chị. Hi vọng đôi bên sẽ có cơ hội hợp tác với nhau trong tương lai”.
- Khẳng định lại sự phù hợp: “ Với những kinh nghiệm và kỹ năng trên, em tin chắc bản thân là sẽ một ứng viên phù hợp và sẽ đóng góp cho công ty nhiều giá trị trong tương lai. Chân thành cảm ơn quý anh/chị đã dành thời gian quý báu xem qua thư này”.
Sau khi cảm ơn, đừng quên viết một dòng nhắc nhở về CV và Portfolio đã được đính kèm theo. Cùng với đó là thông tin liên hệ.
Ví dụ: Dưới đây là bản CV và Portfolio em đính kèm theo để anh/chị hiểu rõ hơn về khả năng của em. Nếu anh/chị cần thêm thông tin gì, vui lòng liên hệ em qua các kênh sau:
Email: …..
SĐT: …..
Cuối cùng là phần chúc và ký tên. Ứng viên có thể tham khảo các mẫu câu sau:
- Cuối lời, em chúc quý anh/chị có một ngày/buổi sáng/buổi chiều tốt lành!
- Cuối lời, em chúc quý anh/chị có một ngày làm việc thật năng suất!
Trân trọng.
[Tên ứng viên]
Như vậy, không chỉ một chiếc CV chuẩn mà một lá thư ứng tuyển ấn tượng cũng ghi điểm rất tốt trong mắt HR. Dù là không bắt buộc nhưng nếu có bạn đã thật sự “vượt qua mặt” một số ứng viên khác. Vậy nên hãy chăm chút cho từng câu chữ để lá thư này góp phần đưa bạn đến vị trí công việc mà bạn mơ ước bạn nhé!