CV là thứ quan trọng đầu tiên trong hành trình đi xin việc của bất kỳ ai. Nếu cẩu thả trong việc trình bày CV, bạn chắc chắn đã bị loại đầu tiên mà chẳng cần đợi đến vòng phỏng vấn hoặc test kỹ năng. Vậy trình bày CV như thế nào mới đúng? Cùng Vjobs điểm qua một số lưu ý trình bày giúp bạn tự tin
1. Hiểu rõ CV là gì và tầm quan trọng của CV
CV (Curriculum Vitae) thường được gọi với tên tiếng việt là sơ yếu lý lịch. Đây là một bản tóm tắt những thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng, chứng chỉ liên quan tới công việc mà ứng viên muốn ứng tuyển. CV giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về năng lực và sự phù hợp của bạn đối với công việc.
Trong tuyển dụng, thông thường HR chỉ dành vài giây để xem qua CV của bạn, vì hằng ngày họ nhận được rất nhiều CV gửi về từ ứng viên. Vậy nên một chiếc CV dễ đọc, chuẩn và ấn tượng là rất quan trọng, là nền tảng để bạn đi đến sâu hơn các vòng ứng tuyển khác.
2. Các thành phần của CV
2.1 Thông tin cá nhân
Đây là phần đầu tiên mà nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào nhằm định hình khái quát về ứng viên.
Hình ảnh cá nhân: Ứng viên nên chọn ảnh rõ mặt, chụp chính diện, cười mỉm thể hiện sự tươi tắn, năng động. Hạn chế chọn ảnh có chi tiết rườm rà và ưu tiên mặc áo sơ mi để thể hiện sự chuyên nghiệp.
Về phần thông tin khác:
- Phải có vị trí ứng tuyển cụ thể. Lưu ý khi ứng viên “rải CV”, phải thay đổi tên vị trí ứng tuyển cho phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty.
- Họ và tên ghi đầy đủ.
- Trình bày ngày tháng năm sinh
- Địa chỉ ngắn gọn
- Liên hệ: Cung cấp đầy đủ số điện thoại, email chuyên nghiệp (ngắn gọn, không chứa ký tự hoặc từ ngữ thiếu nghiêm túc) và liên kết đến các trang mạng xã hội như website, LinkedIn, Facebook,...
Lưu ý: Chỉ điều hướng đến các các tài khoản mạng xã hội nếu tài khoản đó thể hiện sự tham gia vào các nhóm chuyên môn, chia sẻ kiến thức hay những chia sẻ quan điểm về công việc và cuộc sống hoặc bình luận có giá trị của bạn.
2.2 Kinh nghiệm chuyên môn
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định việc bạn có vượt qua vòng loại CV hay không. Ở mục này, với mỗi doanh nghiệp/ tổ chức/ dự án mà ứng viên từng làm việc, phải trình bày rõ ràng 2 phần như sau:
Phần đầu tiên bao gồm tên công ty, chức danh làm việc và khoảng thời gian đồng hành cùng công ty. Trong đó, khoảng thời gian làm việc có sự ảnh hưởng không nhỏ. Nhà tuyển dụng thường đánh giá cao những ứng viên gắn bó lâu dài với các công ty trước đó, ít nhảy việc.
Lưu ý: Sắp xếp các doanh nghiệp/ tổ chức/ dự án theo thứ tự từ mới nhất đến cũ nhất.
Phần thứ hai là phần mô tả công việc chi tiết. Liệt kê ngắn gọn các đầu việc theo công thức sau: Phương pháp/Công cụ - Việc làm - Số lượng - Thời gian - Thành tựu.
Ví dụ: Sử dụng Chat GPT hỗ trợ lên bố cục viết 7 bài đăng tải trên Facebook hàng tuần, trung bình lượt tiếp cận là 3000/bài
Không nên đưa những kinh nghiệm không liên quan đến vị trí ứng tuyển vào, tránh gây “ngột ngạt” CV và lan man.
Khi thay đổi công ty ứng tuyển hoặc vị trí công việc, bạn nên thay đổi kinh nghiệm sao cho phù hợp với vị trí mới và yêu cầu công ty. Vjobs mách bạn nên dựa vào bản mô tả công việc (JD) của công ty để tìm ra keyword và triển khai kinh nghiệm từ keyword đó. Vì thứ doanh nghiệp cần là những kinh nghiệm chuyên quan liên quan đến JD mà họ đưa ra.
2.3 Kỹ năng
Kỹ năng nên chia thành 2 nhóm là kỹ năng chuyên môn (cứng) và kỹ năng phi chuyên môn (mềm). Kỹ năng cũng cần phải liên quan đến JD của nhà tuyển dụng để thể hiện sự phù hợp của bạn.
>>>> Xem thêm: Những kỹ năng mềm quan trọng giúp sinh viên chinh phục thành công HR
Đối với một số kỹ năng cứng có liên quan đến các công cụ hỗ trợ công việc, nên liệt kê cụ thể.
Ví dụ: kỹ năng thiết kế hình ảnh: canva, Figma, Ps,...
Vjobs khuyến khích bạn mô tả kỹ năng mềm theo cách ngắn gọn và cụ thể nhất. Ví dụ thay vì ghi kỹ năng làm việc nhóm, bạn có thể trình bày là kỹ năng quản lý đội nhóm, phân chia công việc và kiểm soát deadline nhóm (x thành viên). Bạn có thể cụ thể hóa kỹ năng giao tiếp bằng cách liệt kê thêm. Ví dụ kỹ năng giao tiếp: thuyết trình, đàm phán,...
2.4 Trình độ học vấn
Ở phần này ứng viên trình bày tên trường đại học, chuyên ngành, thời gian học (lưu ý chỉ ghi năm ví dụ 2021 - 2025). Bên cạnh đó trình bày thêm về loại bằng cấp và điểm GPA. Trong trường hợp GPA không ấn tượng, bạn hoàn toàn có thể lược bỏ mà chỉ cần đề cập đến loại bằng tốt nghiệp.
Ngoài ra nếu bạn đã từng học các khóa học chuyên môn ngắn hạn tại các trung tâm, cơ sở uy tín, bạn hoàn toàn có thể thêm vào mục này.
2.5 Mục tiêu nghề nghiệp
Viết CV chuẩn còn thể hiện ở cách viết mục tiêu nghề nghiệp. Tại đây ứng viên nên trình bày ngắn gọn, chia thành ngắn hạn và dài hạn.
Mục tiêu ngắn hạn có thể là nắm vững kỹ năng trong một lĩnh vực cụ thể. Hay dài hạn là vị trí cụ thể mà ứng viên muốn đạt được trong bao lâu, kể cả những giá trị mà ứng viên sẽ mang lại cho doanh nghiệp.
✅ Nên: Đạt được vị trí Brand Manager sau 4 năm, cùng công ty nâng tầm thương hiệu cho dịch vụ/sản phẩm xyz
Vì đây là mối quan hệ làm việc hai chiều, nên những mục tiêu mang hàm ý chung chung, không giúp nhà tuyển dụng hình dung được thứ họ sẽ nhận được là gì đều không được đánh giá cao.
❌ Không nên: Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ hội được học tập, rèn luyện phát triển bản thân.
2.6 Chứng chỉ
Trong phần này, ứng viên có thể nêu tên các chứng chỉ chuyên ngành (phù hợp với JD), tổ chức phát hành và thời hạn của chứng chỉ đó.
Đừng quên trình bày chứng chỉ ngoại ngữ (bậc nào) và chứng chỉ tin học, vốn là 2 yếu tố luôn được đòi hỏi bởi nhà tuyển dụng ở bất kỳ vị trí, ngành nghề nào bạn nhé!
2.7 Hoạt động ngoại khóa và danh hiệu giải thưởng
Phần này không bắt buộc phải có. Tuy nhiên nếu có thể hãy đưa những giải thưởng và hoạt động ngoại khóa có tính chất liên quan đến vị trí ứng tuyển. Tránh thể hiện thông tin không liên quan gây dài dòng cho CV.
Trong trường hợp kỹ năng và kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế, bạn nên trình bày nội dung này một cách chi tiết để giúp nhà tuyển dụng có cơ sở đánh giá.
3. Một số lưu ý viết CV thu hút
Văn phong: Văn phong trang trọng, không viết tắt.
Màu sắc: Màu sắc CV nên thay đổi theo màu thương hiệu của công ty mà ứng viên ứng tuyển.
Định dạng: font chữ dễ đọc (Roboto, Times New Roman, Montserrat), cỡ chữ dao động từ 10 - 12.
Độ dài: CV tốt nhất nên 1 trang, tối đa 2 trang.
Đính kèm Portfolio: Đối với một số ngành sáng tạo, Portfolio sẽ giúp nhà tuyển dụng hình dung rõ phạm vi công việc và khả năng của ứng viên.
>>> Tham khảo ngay kho tàng CV mẫu của Vjobs TẠI ĐÂY
Tóm lại, một CV chuẩn sẽ mở ra muôn vàng cơ hội cho bạn. Là tiền đề để bạn chinh phục nhà tuyển dụng ở các giai đoạn thể hiện sự phù hợp của bản thân tiếp theo. Vjobs tin rằng với những thông tin hữu ích trên, bạn đã có thể tạo ra cho mình một chiếc CV chuyên nghiệp, sẵn sàng chinh chiến trên thị trường lao động rồi đấy!