Công nghệ thông tin phát triển đã khiến việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tìm kiếm thông tin tuyển dụng cũng vì thế trở nên nhanh chóng chỉ với vài cú click chuột. Hiện nay, nhiều người lựa chọn tìm kiếm việc làm qua mạng xã hội và các website tuyển dụng. Trong số đó, LinkedIn nổi bật là một trong những nền tảng phổ biến nhất để tìm việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tìm được công việc phù hợp trên nền tảng này. Vì vậy, trong bài viết này, Vjobs sẽ chia sẻ những lưu ý quan trọng giúp bạn tìm việc trên LinkedIn hiệu quả.
1. LinkedIn là gì?
LinkedIn là nền tảng mạng xã hội chuyên về kết nối nghề nghiệp, được thành lập vào năm 2003. Ngày nay, LinkedIn đã trở thành một không gian tìm kiếm, kết nối nhà tuyển dụng với ứng viên trên Internet. Với hàng trăm triệu người dùng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Người dùng có thể tạo hồ sơ cá nhân, chia sẻ thông tin và tìm kiếm cơ hội việc làm hoặc kết nối với những người cùng lĩnh vực. LinkedIn cung cấp các công cụ như đăng tin tuyển dụng, tham gia nhóm chuyên môn, và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.
2. Các lưu ý để tìm việc trên LinkedIn hiệu quả
2.1 Tối ưu hóa hồ sơ cá nhân trên LinkedIn
Một tài khoản LinkedIn chuyên nghiệp và đủ ấn tượng sẽ giúp bạn trở nên nổi bật hơn giữa hàng ngàn ứng viên. Để tối ưu hóa tài khoản LinkedIn, hãy lưu ý các vấn đề dưới đây:
• Cập nhật ảnh đại diện chuyên nghiệp: tương tự như CV, bạn nên chọn ảnh rõ nét, rõ mặt, chính diện, trang phục lịch sự.
Ngoài ra, bạn có thể cập nhật thêm ảnh bìa để giúp hồ sơ trở nên bắt mắt hơn. Ảnh bìa có thể thiết kế đơn giản tùy vào sở thích cá nhân. Đó có thể là hình ảnh ứng viên kèm một câu nhận định về ngành, cá tính, động lực làm việc cạnh bên.
• Cập nhật các thông tin, cách thức liên lạc: số điện thoại / email / zalo / hoặc bất kỳ cách liên lạc nào mà bạn có thể nhanh chóng trả lời nhà tuyển dụng.
• Cập nhật nơi ở hoặc địa điểm muốn tìm việc.
• Tạo tiêu đề hấp dẫn: Tiêu đề nên đề cập đến vai trò mà bạn đang tìm kiếm
Ví dụ: Social Media Marketing, Human Resources Executive,...
• Cập nhật ngành bạn muốn làm việc và tên trường Đại học, Cao đẳng mà bạn đang hoặc đã theo học.
• Viết tóm tắt giới thiệu bản thân: Đây là nội dung không kém phần quan trọng. Hãy nêu sơ lược về thông tin cá nhân của bản thân (tên, nơi đã hoặc đang theo học, đặc điểm nổi bật của cá nhân), về kỹ năng và kinh nghiệm đã đúc kết được (chỉ nêu tổng quan không cụ thể tránh dài dòng) và cuối cùng là nêu về động lực thúc đẩy làm việc cũng như mong muốn tìm được một công việc phù hợp với bản thân. Dưới đây là một ví dụ cho một tài khoản LinkedIn của một sinh viên:
Xin chào! Em là XYZ, sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học XYZ. Em là người học tập và làm việc với tinh thần trách nhiệm, kiên trì và sáng tạo.
Với kiến thức chuyên môn em đã tiếp thu thông qua các khóa học trực tuyến, cũng như kinh nghiệm thực tế từ các dự án phi lợi nhuận, phi chính phủ và các công việc thực tập Digital Marketing, em đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn về content marketing và hơn 1 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.
Do đó, em mong muốn tiếp tục phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị nội dung, đặc biệt là triển khai các chiến dịch quảng cáo sáng tạo, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của công ty. Em hy vọng tìm được môi trường phù hợp để cống hiến và phát huy tối đa khả năng của mình.
• Cập nhật kinh nghiệm và những kỹ năng chuyên môn: Muốn tìm việc trên LinkedIn hiệu quả bạn cần cập nhật đầy đủ, ngắn gọn những công việc chuyên môn mà bạn đã từng thực hiện. Vjobs mách bạn một mẹo nhỏ có thể rút ngắn thời gian cập nhật thông tin đó là bạn có thể sao chép hoàn toàn kinh nghiệm, kỹ năng trong CV sang.
Lưu ý: Kinh nghiệm và kỹ năng trong CV phải được trình bày đúng chuẩn, trọng tâm và nổi bật
>>> Xem thêm: Cách viết CV chuẩn và thu hút ngay từ lần đọc đầu tiên
• Cập nhật các chứng chỉ: Hãy liên kết các chứng chỉ bạn đạt được trên nền tảng để nhà tuyển dụng đánh giá cao sự nhiệt huyết và học lực của bạn.
• Cuối cùng là liên kết các ấn phẩm mà bạn sở hữu: Đó có thể là các bài nghiên cứu khoa học của bạn, website hay các kênh mạng xã hội đem lại giá trị người đọc, người xem,... (ví dụ website, fanpage chia sẻ kiến thức về Marketing).
2.2 Xây dựng mạng lưới mối quan hệ
Mạng lưới mối quan hệ đóng vai trò quan trọng trong hành trình tìm kiếm việc làm. Càng nhiều kết nối, cơ hội tiếp cận thông tin càng lớn.
Bạn nên thường xuyên gửi lời mời kết nối đến những đồng nghiệp, cấp trên hoặc cấp dưới, hay những người làm trong cùng lĩnh vực, vị trí mà bạn quan tâm.
Khi kết nối thành công nhà tuyển dụng của công ty mà bạn yêu thích và mong muốn làm việc. Hãy gửi lời chào chuyên nghiệp bằng cách giới thiệu ngắn gọn về bản thân và niềm hân hạnh khi được kết nối với họ. Điều này giúp bạn thu hẹp khoảng cách trong mối quan hệ hai bên, đồng thời gây ấn tượng mạnh mẽ trong mắt nhà tuyển dụng.
2.3 Tìm kiếm cơ hội việc làm
Sử dụng công cụ tìm kiếm việc làm có sẵn trên nền tảng: Bằng cách nhập từ khóa, vị trí trong bộ lọc để tìm các công việc phù hợp với định hướng của bản thân.
Theo dõi các trang tuyển dụng để cập nhật các thông tin tuyển dụng của các công ty. Bạn có thể tìm việc qua trang LinkedIn tuyển dụng của Vjobs.
>>> LinkedIn của Vjobs: TẠI ĐÂY
Một cách tìm việc bị động đó là bật chế độ “Open to work”. Khi bật, trên ảnh đại diện của tài khoản sẽ hiển thị một nhãn dán với dòng chữ “Open to work”. Lúc này nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấy và biết rằng bạn đang tìm kiếm công việc. Họ có thể nhấp vào xem trang cá nhân của bạn, nếu ấn tượng sẽ chủ động liên hệ bạn để trao đổi về công việc.
Cuối cùng là đăng tải CV và Portfolio cá nhân, đây là cách tìm việc trên LinkedIn hiệu quả nhất. Thao tác này giúp bạn dễ dàng thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng hơn. Lưu ý khi đăng tải CV và Portfolio, hãy nhớ kèm theo một đoạn mô tả ngắn gọn về bản thân và mong muốn được hợp tác với công ty bạn nhé!
2.4 Tham gia các hoạt động chuyên môn
Tương tác thường xuyên trên nền tảng để duy trì sự hiện diện của bạn trên mạng xã hội. Bạn có thể thích, bình luận hoặc chia sẻ lại các nội dung của người khác, liên quan đến vị trí công việc, lĩnh vực mà bạn hướng đến hoặc yêu thích.
Nếu có thể, Vjobs khuyên bạn nên có những bài viết chia sẻ kinh nghiệm mang tính đóng góp, tích cực và không tạo tranh cãi. Đó có thể là những bài đăng về thành tựu, kỹ năng hoặc góc nhìn cá nhân trong công việc.
Ngoài ra bạn cũng nên đăng tải những nội dung hữu ích liên quan đến ngành nghề của bạn để thu hút sự chú ý. Điều này giúp bạn dễ dàng tiếp cận được nhà tuyển dụng và tìm việc trên LinkedIn hiệu quả hơn.
2.5 Theo dõi kết quả và điều chỉnh
Quá trình tìm việc không phải lúc nào cũng nhanh chóng. Bạn cần kiên nhẫn và điều chỉnh chiến lược phù hợp.
- Theo dõi phản hồi: Ghi nhận các phản hồi từ nhà tuyển dụng để cải thiện hồ sơ.
- Cập nhật hồ sơ thường xuyên: Bổ sung thông tin mới hoặc điều chỉnh kỹ năng theo xu hướng.
- Phân tích hiệu quả: Xem lại các kết nối, tương tác và cơ hội để biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu.
Tóm lại có rất nhiều mạng xã hội để tìm việc trong thời đại ngày nay. Tìm việc trên LinkedIn vẫn được đại đa số mọi người ưu tiên do tính chất của nền tảng. Việc tạo tài khoản LinkedIn cho cá nhân là điều dễ dàng nhưng để tìm được công việc mơ ước bằng chính tài khoản đó lại là một câu chuyện khác. Vjobs tin rằng với những lưu ý trong bài viết này sẽ giúp bạn phần nào trong công cuộc biến hóa tài khoản của mình trở nên chuyên nghiệp.